Steam Deck với Nintendo Switch OLED đều là những thiết bị chơi game di động tốt nhất sắp được ra mắt, vậy hãy cùng so sánh đâu là chiếc máy tốt hơn.
Tháng 7 quả thực là một tháng rất thú vị đối với ngành công nghiệp trò chơi điện tử, vì chúng ta đã được chứng kiến sự ra mắt của hai nền tảng máy chơi game cầm tay mới. Vài tuần trước, Nintendo cuối cùng đã dập tắt những tin đồn về một phiên bản nâng cấp của Switch bằng việc công bố Nintendo Switch OLED. Và mới đây nhất chỉ vài ngày trước, Steam cũng đã đưa ra một thông báo đầy bất ngờ cho việc tiết lộ Steam Deck.
Mặc dù cả Nintendo Switch OLED và Steam Deck sẽ phục vụ hai thị trường khác nhau, nhưng cả hai thiết bị đều có rất nhiều điểm tương đồng mà chúng ta có thể đem ra so sánh. Theo nghĩa cơ bản nhất có thể mô tả thì cả Switch OLED và Steam Deck đều có thể cho phép người chơi chơi game khi đang di chuyển ở bất kỳ đâu, và đều có tùy chọn gắn vào đế cắm cùng kết nối với TV để nó giống với một nền tảng console tại gia hơn. Bài so sánh này sẽ phần nào giúp ích đối với những người không chắc chắn nên chọn loại thiết bị nào giữa Switch OLED và Steam Deck.
So sánh màn hình Steam Deck với Nintendo Switch OLED
Do cả Steam Deck và Nintendo Switch OLED đều được sử dụng làm thiết bị chơi game cầm tay, nên chất lượng của màn hình là một điều rất cần thiết. Đúng như tên gọi, Nintendo Switch OLED sẽ có màn hình OLED 7 inch, đây là một cải tiến lớn so với màn hình LCD 6,2 inch của bản Switch ban gốc. Theo như Nintendo, Switch OLED sẽ có thể hiển thị độ phân giải lên đến 720p ở chế độ console cầm tay và lên đến 1080p ở chế độ gắn đế cắm. Chiếc máy này sẽ có tốc độ khung hình tối đa là 60 FPS, nhưng nó sẽ không hỗ trợ độ phân giải 4K ngay cả khi được gắn vào đế cắm. Switch OLED sẽ được đi kèm với một đế cắm ngoài, cho phép người chơi chuyển đổi giữa chế độ console cầm tay và chế độ console tại gia.
Mặt khác, Steam Deck cũng có màn hình LCD 7 inch có thể hiển thị 720p ở tốc độ 60 FPS. Tuy nhiên, lợi thế của nó so với Nintendo Switch OLED là Steam Deck có thể đạt đến đồ họa độ phân giải 4K tùy thuộc vào TV hoặc màn hình mà nó được kết nối. Thật không may, Steam Deck sẽ không đi kèm với đế cắm ngoài và người chơi sẽ phải mua riêng một đế cắm độc quyền hoặc kết nối thiết bị với màn hình TV thông qua cáp USB-C.
So sánh thông số kỹ thuật, bố cục phím và thời lượng pin Steam Deck với Nintendo Switch OLED
Về các thông số kỹ thuật khác, Steam Deck của Valve sẽ có chip CPU AMD Zen 2 tốc độ 3,5 GHz, kết hợp với GPU AMD 8 RDNA và RAM 8GB. Không giống như Switch, Steam Deck sẽ cung cấp ba lựa chọn về bộ nhớ trong: 64 GB eMMC, 256 GB SSD và 512 GB SSD. Điều đáng chú ý là do Steam Deck được thiết kế để chơi được hầu hết các tựa game PC nên người chơi cần cân nhắc kỹ lưỡng việc nên lựa chọn mẫu máy nào phù hợp nhất với bản thân.
Các báo cáo cho thấy mẫu Steam Deck rẻ nhất có bộ nhớ eMMC 64GB có thể chạy các tựa game chậm hơn so với các anh chị em cao cấp của nó có bộ nhớ NVMe SSD. Steam Deck cũng sẽ được tích hợp hệ thống Bluetooth 5.0, cho phép người chơi kết nối mượt mà các thiết bị ngoại vi không dây như chuột, bàn phím và tai nghe.
Về phần Switch, mặc dù Nintendo Switch luôn là chiếc máy console bán chạy nhất những năm gần đây, nhưng nó không chính xác được tạo ra để chạy được trơn tru các tựa game cao cấp. Tuy nhiên, thông số có phần yếu thế của Switch không hẳn là một nhược điểm quá to tát vì nó chủ yếu được tạo ra để chạy các tựa game của Nintendo. Điều này cũng tương tự với phiên bản Switch OLED, có cùng bộ xử lý NVIDIA Custom Tegra và RAM 8GB như mẫu Switch thông thường.
Bộ nhớ trong của mẫu Switch OLED sắp ra mắt đã được nâng cấp từ 24GB lên 64GB eMMC, người chơi đương nhiên vẫn có thể mua thẻ SD bên ngoài để tăng thêm dung lượng bộ nhớ trong. Trong khi Nintendo Switch OLED cũng được tích hợp Bluetooth, Nintendo đã làm rõ chức năng của nó chỉ là để kết nối với Joy-Cons. Người chơi có thể sẽ phải mua thêm các phụ kiện khác nếu muốn kết nối với các thiết bị ngoại vi không dây khác.
Một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa Switch OLED và Steam Deck là bộ điều khiển. Cả hai thiết bị đều có đủ mọi thứ mà game thủ có thể mong đợi từ các thiết bị chơi game cầm tay: D-pad, analog, nút kích hoạt và màn hình cảm ứng. Tuy nhiên, có một thứ mà chỉ Steam Deck có còn Switch OLED không chính là bàn di chuột kiểu Steam Controller mới, thứ mà Valve tuyên bố sẽ cho phép người chơi có độ chính xác tốt hơn khi chơi các tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất. Mặc dù việc tích hợp bàn di chuột này là điều khá dễ hiểu vì Steam Deck được thiết kế để chơi các tựa game PC, nhưng nhiều người cũng đã lo ngại về cách bố trí của nó và không ai biết liệu nó có khiến người dùng thoải mái khi cầm máy chơi game trong khoảng thời gian dài hay không. Ngoài ra, Steam Deck cũng sẽ không bị trôi cần điều khiển, một vấn đề khá nhức nhối còn tồn tại trên các nền tảng console gaming.
Mặt khác, bố cục phím của Switch OLED vẫn tương tự như phiên bản Switch ban đầu. Người chơi sẽ không cảm thấy bất kỳ sự khác biệt nào ngoài trọng lượng nặng ở mức 320g so với Switch gốc là 297g. Hãy cùng làm một so sánh nho nhỏ, Steam Deck nặng 669g, nhiều hơn 349g so với Switch Oled, nhưng điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên vì cấu hình Steam Deck bên trong mạnh mẽ hơn rất nhiều. Cũng cần lưu ý rằng Steam Deck sẽ không có bộ điều khiển rời như Switch OLED, vì vậy bạn cũng nên cân nhắc điều đó khi lựa chọn mua máy. Cuối cùng là về thời lượng pin, Switch OLED sẽ có thể hoạt động trong khoảng từ 4,5 đến 9 giờ, tùy thuộc vào thời gian sử dụng và tựa game bạn chơi, trong khi đó Steam Deck chỉ có thể hoạt động từ 2 đến 8 giờ.
So sánh game hỗ trợ, giá cả và ngày phát hành của Steam Deck với Nintendo Switch OLED
Về các tựa game được hỗ trợ, Steam Deck và Nintendo Switch OLED sẽ phục vụ hai thị trường gaming rất khác nhau. Trong khi giao diện và thiết kế của Steam Deck trông giống như một chiếc máy chơi game console cầm tay, Valve tiết lộ rằng nó thực ra là một chiếc PC di động. Steam Deck sẽ chạy một phiên bản mới của hệ điều hành SteamOS, đây là hệ điều hành được phát triển dựa trên Linux của Valve. Valve cũng tuyên bố rằng Steam Deck có thể chơi mọi tựa game PC trên Steam và mọi tựa game từ các trang web khác. Tất nhiên, số lượng game có trên PC có thể nói là gần như vô tận, bao gồm cả các giả lập cho các nền tảng console cũ hơn, các tựa game visual novel, RPG Maker, và thậm chí là cả game người lớn.
Mặt khác, trong khi những tựa game có thể chơi được trên Switch OLED chắc chắn bị giới hạn hơn rất nhiều so với Steam Deck, đặc điểm nổi bật của nó lại là các tựa game độc quyền mà không thể chơi được bên ngoài hệ sinh thái của Nintendo. Do đó, nếu bạn là một người hâm mộ lớn các trò chơi của Nintendo, Steam Deck sẽ không phải là một lựa chọn khả thi vì nó không thể chơi các trò chơi của Nintendo. Tuy nhiên, sự thật là các tựa game console trong quá khứ của Nintendo đều đã có thể chơi được thông qua các phần mềm giả lập được phát triển cho PC, và ngay cả Switch cũng đang được phát triển giả lập và hiện đã được đưa vào thử nghiệm. Nếu các phần mềm giả lập đó được tối ưu tốt thì có thể Steam Deck sẽ lại vượt trội hơn Switch OLED ở khoản này.
Về giá cả, Steam Deck sẽ có ba mức giá khác nhau, 399 USD cho phiên bản 64GB, 529 USD cho phiên bản 256GB và 649 USD cho phiên bản 512GB. Với thông số kỹ thuật cao cấp hơn, không có gì ngạc nhiên khi Steam Deck đắt hơn nhiều so với Switch OLED, có giá 350 USD. Steam Deck dự kiến phát hành vào tháng 12 năm 2021, nhưng nhu cầu về nó khá cao nên các đơn đặt hàng trước của Steam Deck đã sớm bị bán hết. Trong khi đó, Nintendo Switch OLED sẽ được phát hành vào tháng 10 năm 2021, với các đơn đặt hàng trước vẫn có thể đăng ký ngay từ bây giờ.
Kết luận
Như vậy về cơ bản, Steam Deck có nhiều lợi thế hơn so với Nintendo Switch OLED, nếu bạn chưa có PC thì đây sẽ là một lựa chọn hoàn hảo, thế nhưng nếu bạn đã có một chiếc PC gaming tốt thì sẽ tốt hơn là lựa chọn mua NIntendo Switch OLED. Trong trường hợp bạn có dư dả về nguồn kinh tế, thì sẽ là tốt nhất nếu có thể sở hữu cho mình cả hai hệ máy này. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích được các bạn trong việc lựa chọn mua mẫu máy thích hợp cho mình.